Để đảm bảo các kết quả đo được là tin cậy thì yêu cầu đầu tiên là:
- Bệnh nhân phải có được một chiếc máy đo đường máu cá nhân tốt, đáp ứng các tiêu chí cơ bản là thao tác đơn giản, cho kết quả nhanh và chính xác, không tốn máu, ít gây đau, có bộ ghi nhớ kết quả đi kèm ngày giờ đo, máy nhỏ gọn có thể mang theo người dễ dàng.
+ Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy đo đường huyết với các đặc tính khác nhau về kỹ thuật, tính năng, kích thước, lượng máu cần lấy...
+ Bộ dụng cụ thử đường huyết bao gồm: máy đo, que thử (mỗi máy có loại que thử riêng biệt) và kim để chích lấy máu cùng với dụng cụ giữ kim gọi là bút thử.
+ Khi mua máy, cần kiểm tra hạn dùng trên hộp que thử
- Các tiêu chí khác không kém phần quan trọng là giá thành phải ở mức chấp nhận được với đa số người dân Việt Nam và hệ thống dịch vụ tốt của nhà cung cấp.
Ngoài ra, cần lưu ý là chỉ khi mua hàng chính hãng và có phiếu bảo hành thì người sử dụng mới được hưởng các dịch vụ ưu đãi như được cung cấp bộ tài liệu và băng hình hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, được hướng dẫn sử dụng máy và giải đáp thắc mắc trực tiếp, được cung cấp ổn định que thử đảm bảo chất lượng. Đặc biệt nhà sản xuất chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng máy và bảo hành miễn phí trong ít nhất 5 năm.
Cách đo đường huyết
Rửa tay sạch với nước ấm và xà bông rồi lau thật khô. Nếu dùng cồn để sát trùng thì phải đợi vùng da bôi cồn khô hết mới lấy máu. Đặt kim vào bút thử, lấy que thử khỏi hộp, đậy ngay nắp hộp lại.
Lấy máu:
Nên lấy một ít máu ở đầu ngón tay (cho kết quả chính xác hơn ở những nơi khác), vì sự thay đổi đường huyết thường xuất hiện nhanh trong mao mạch ở đầu ngón tay.
Lấy máu ở phía cạnh đầu ngón tay, đưa máu vào que thử theo hướng dẫn của từng loại máy.
Cần kiểm tra mã số (code number) trên hộp que thử có đúng với mã số ghi trên máy không? Nếu chưa đúng phải điều chỉnh lại trước khi thử máu.
Đường huyết bình thường là 90-130mg/dl (hoặc 5 - 7,2mmol/l) trước khi ăn; dưới 200mg/dl (11 mol/l) 2 giờ sau khi ăn.
Kết quả có thể không chính xác, nếu cồn lau lẫn trong máu, nước hoặc xà bông dính trên đầu ngón tay, giọt máu quá lớn hoặc quá nhỏ, hoặc que thử bị ẩm ướt.
Ghi chép kết quả
- Bệnh nhân nên ghi chép tất cả kết quả thử máu vào trong một cuốn sổ (sổ này thường được kèm theo máy thử đường).
- Mỗi khi đi khám bệnh nên mang theo sổ này. Nhờ vào nó, bác sĩ của bệnh nhân sẽ nhìn thấy các vấn đề trong kế hoạch điều trị của bệnh nhân.
- Nên ghi thêm các sự kiện đặc biệt có ảnh hưởng đến đường huyết của bệnh nhân (như bỏ qua một bữa ăn, hoạt động nhiều hơn bình thường, mất ngủ...).
Các nguyên nhân làm đường máu dao động (tăng hoặc giảm) có thể là:
Thức ăn: Thay đổi giờ ăn, loại thức ăn, số lượng thức ăn...
Tập thể dục thể thao hoặc lao động chân tay.
Thay đổi loại, liều lượng thuốc ĐTĐ.
Các stress về tâm lý, tình cảm.
Mắc bệnh khác: cảm cúm, viêm phổi, đau dạ dày, tiêu chảy...
Uống nhiều rượu, bia.
Dùng thêm các thuốc khác: các thuốc chống viêm giảm đau, thuốc corticoid...
Do thay đổi kỹ thuật thử, hoặc do thay máy, giấy thử khác...
Những khó khăn khi tự theo dõi đường huyết
Câu hỏi thứ nhất là họ sợ đau, điều này cũng giống như khi phải tiêm insulin vậy. Tuy nhiên người bệnh cần biết rằng những phiền toái chút ít này (không gặp ở tất cả các bệnh nhân) là rất nhỏ so với những lợi ích mà họ sẽ đạt được, đó là tránh được các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, mù hay suy thận...Và dù là bị ĐTĐ nhưng họ vẫn có sức khoẻ tốt để làm công việc yêu thích và có cuộc sống hạnh phúc như mọi người bình thường. Tuy vậy sự lo lắng này đang dẫn biết mất khi mà nhiều máy đo đường huyết thế hệ mới cho phép lấy máu mao mạch ở nhiều vị trí ít hoặc gần như không đau như cẳng tay, cánh tay...
Còn câu hỏi thứ hai là một số người bệnh lo lắng về chi phí cho việc thử đường máu hàng ngày có thể là khá cao so với mức thu nhập. Họ thường nghĩ rằng nếu dành số tiền đó cho việc mua các loại thuốc đắt tiền, đặc chủng thì hiệu quả sẽ cao hơn. Quả thực nghĩ như vậy là họ đã nhầm vì nếu không kiểm tra đường máu thường xuyên, hàng ngày thì sẽ rất khó kiểm soát đường máu trong giới hạn bình thường và họ sẽ có nguy cơ rất cao bị các biến chứng (gấp 2-5 lần người kiểm soát đường máu tốt), khi đó chi phí cho việc điều trị các biến chứng sẽ là vô cùng tốn kém: Chi phí cho 1 lần điều trị nhồi máu cơ tim bằng 6.000-8.000 lần, chi phí cho 1 năm chạy thận nhân tạo (để điều trị suy thận giai đoạn cuối) bằng 4.000 lần đo đường máu... chưa kể họ không còn sức khoẻ để tiếp tục công việc đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính rất quan trọng, thậm chí mất cả tính mạng.
Các nhà kinh tế y tế Mỹ rất thích đưa ra khái niệm là "Hãy tiêu đồng tiền hữu ích bây giờ hơn là bệnh nhân sẽ phải tiêu rất nhiều tiền vô ích sau này": nếu không tiêu 1 đồng bây giờ thì bệnh nhân sẽ phải trả 10 đồng sau 1 năm và có thể là 1.000 đồng sau 5 năm nữa, còn sau 10 năm thì có thể sẽ là rất rất nhiều.
(theo Dự án quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường - BV Nội tiết TW)
|