Tất cả những thói quen này tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại để lại nhiều hậu quả.
Đó là ý kiến của ThS.BS Phan Hướng Dương, Bệnh viện Nội tiết TƯ. BS Dương cho rằng, một nghiên cứu tại Mỹ trên 9.000 người cho thấy, tăng hơn 50% nguy cơ bị tiểu đường ở nhóm người ngủ nhiều trên 9 giờ mỗi ngày và nguy cơ này cũng tăng cao ở nhóm người ngủ ít dưới 5 tiếng/ngày.
Bởi lẽ trong khi ngủ bộ não và các cơ quan ít hoạt động hơn, rất dễ dẫn đến tình trạng béo phì, mà béo phì là một trong những nguyên nhân của tiểu đường. Đồng thời, ngủ dậy quá muộn sẽ phá vỡ nhịp đồng hồ sinh học của mỗi người, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, thậm chí có thể gây trầm cảm.
Vì thế, càng ngủ càng thấy mệt, chứ không hề thoải mái như chúng ta vẫn nghĩ. Thế nhưng, ngủ ít dưới 5 giờ/ngày cũng có nguy cơ tăng bệnh tiểu đường gấp 2 so với người bình thường, bởi lẽ khi thức chúng ta thường suy nghĩ, làm việc... tốn năng lượng và phải nạp năng lượng, dẫn đến cơ thể có khả năng thừa chất béo.
Vì vậy, tốt nhất người trưởng thành thì một ngày nên ngủ khoảng 7 - 8 giờ, còn trẻ em khoảng 9 giờ, người già khoảng 6 giờ là phù hợp.
Ngủ nhiều gây đau đầu
TS.BS Trần Văn Khoa, Học viện Quân y chia sẻ, ngủ nhiều có thể bị bệnh tim mạch. Khi chúng ta hoạt động, nhịp tim sẽ đập tương đối nhanh và thúc đẩy máu lên não. Còn khi cơ thể nghỉ ngơi, nhịp tim sẽ đập chậm đi, lượng máu bơm lên não cũng vì thế mà giảm xuống.
Ngủ nướng sẽ khiến bạn ăn uống không đúng giờ gây co thắt đường tiêu hóa. Lâu dần sẽ khiến bạn bị viêm dạ dày mạn tính. Mặt khác, ngủ nhiều ban ngày, ngủ ít ban đêm cũng hay gây đau đầu buổi sáng vì liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh serotonin.
Theo BS Nguyễn Thanh Bình, khoa Tâm thần kinh, Viện Lão khoa Quốc gia, người trưởng thành bình thường cần ngủ khoảng 7 - 8 tiếng/ngày. Với người già, chỉ cần khoảng 5 - 6 tiếng/ngày là đủ. Một số người già do ít hoạt động, đặc biệt là người bị tai biến dẫn đến phải nằm một chỗ thường ngủ li bì cả ngày hoặc ngược lại, lại không có nhu cầu ngủ về đêm.
Các trường hợp này, BS Thanh Bình cho biết, người nhà cần có chế độ chăm sóc tốt, thường xuyên đưa người thân ra ngoài trời vào buổi sáng, chiều để người thân có cảm giác mình vẫn hoạt động như người bình thường. Chỉ đến tối, người bệnh mới được ngủ như người bình thường.
Nếu để người bệnh trong nhà cả nhà, với ánh sáng tối mờ, người bệnh rất dễ bị rối loạn giấc ngủ, tức là ngủ triền miên cả ngày hoặc đêm lại thức chong chong do không có nhu cầu ngủ.
Nên sắp xếp khoa học
Việc ngủ nhiều rõ ràng là không tốt. Nhiều người lấy lý do cả tuần bận bịu, thiếu ngủ nên cuối tuần ngủ bù hoặc đêm trước phải thức khuya nên sáng hôm sau ngủ dậy muộn... nhưng thực ra vấn đề vẫn là cách sắp xếp của mỗi người. Dù bận, nhưng nếu khéo sắp xếp vẫn có thể ngủ đủ, sinh hoạt khoa học, đảm bảo sức khoẻ.
Nên đi ngủ đúng giờ - kể cả cuối tuần. Khi thức giấc, nên dậy ra ngoài trời chứ không nên nằm "nướng". Một số người có nghề nghiệp đặc thù (nghệ sĩ, người làm theo ca...) thì giờ giấc ngủ thường không giống người bình thường. Nhưng dù thế nào, cũng nên sắp xếp để ngủ đủ, đảm bảo cân bằng sức khoẻ. Ngủ với giờ giấc không cố định, lúc sớm lúc muộn, ngày ngủ nhiều, ngày ngủ ít... chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
BS Trịnh Bích Huyền (Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia)
|
|