Mùa mưa bão là thời gian xảy ra rất nhiều tai nạn do điện giật. Nguyên nhân là giông, bão... làm đổ cột điện, đổ cây làm đứt dây điện. Dây điện quăng vào người hoặc vào các đồ vật dẫn điện, người vô ý chạm phải sẽ bị giật.
Điện giật gây chấn thương, làm tay chân nạn nhân co quắp vì bỏng, ngừng thở, ngừng tim. Khi đó, mặt nạn nhân trắng bệch rồi tím dần, ngất, không bắt được mạch, đồng tử giãn to (nếu bị ngừng tim đã lâu). Với nguồn điện cao thế, nạn nhân có thể bị bỏng rất nặng và suy thận. Vết bỏng không lan rộng, không chảy nước, không làm mủ. Vài giờ sau khi hồi tỉnh, nếu bị suy thận, nạn nhân sẽ đi tiểu đỏ sẫm, rồi vô niệu. Những trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Cách xử trí:
Khi thấy có người bị điện giật, cần khẩn trương ngắt cầu dao điện hoặc lấy thanh tre, thanh gỗ kéo dây điện ra khỏi người nạn nhân. Sau đó, đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, để cổ ngửa tối đa (trừ khi nạn nhân bị chấn thương cột sống).
Đấm vào vùng trước tim 5 cái, nếu tim không đập lại, phải khẩn trương hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực: Để hai bàn tay chồng lên nhau, đặt vào phần dưới xương ức rồi ấn mạnh vào lồng ngực. Nếu có 2 người tham gia cấp cứu, cứ ép tim ngoài lồng ngực 5 lần lại thổi ngạt 1 lần. Nếu chỉ có một người, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần. Thực hiện đều đặn như thế cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở lại được, môi hồng trở lại, bắt được mạch ở cổ tay và có xe cấp cứu chuyển nạn nhân đến bệnh viện.
Nếu người bị điện giật có tổn thương phối hợp (như ngã làm gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng hoặc đa chấn thương), tình trạng sức khỏe sẽ xấu hơn rất nhiều thì cần kiểm tra để xử trí ngay.
Những lưu ý khi cấp cứu nạn nhân bị điện giật
Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm.
Người vào cứu tuyệt đối không dùng tay để kéo nạn nhân ra khi nguồn điện chưa được cắt để tránh bị điện giật.
Toàn bộ công việc cấp cứu ngừng tim chỉ gói gọn trong 3 phút, do vậy người cấp cứu phải thật bình tĩnh, khẩn trương, thực hiện đúng cách và tiến hành ngay tại nơi xảy ra điện giật.
Chỉ chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu hồi sức khi bệnh nhân đã tự thở lại và lấy được mạch.
Trên đường chuyển nạn nhân đến bệnh viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
|